English

Nghiên cứu

Báo cáo về Nguyên lý và Liệu pháp Điều trị Ung thư Tụy gốc tại Duy Tân

Hiệu quả trong việc nghiên cứu cơ chế phân tử và liệu pháp điều trị ung thư tụy gốc của các nhà khoa học đang mang đến những tia hy vọng mới cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư tụy trên toàn thế giới. Theo đuổi nghiên cứu ung thư tụy trong nhiều năm, TS. Dương Hồng Quân - Cán bộ hợp tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao, Đại học Duy Tân đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong báo cáo “Ung thư tế bào tụy gốc: Nguyên lý và Liệu pháp điều trị” với giảng viên, sinh viên ngành Y - Dược Duy Tân vào sáng 17/6/2014 tại K7/25 - Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. 
 
 
TS. Dương Hồng Quân trình bày báo cáo tại Hội thảo 
 
Tại buổi báo cáo, TS. Quân đã giới thiệu một cách khái quát về bệnh ung thư tụy và các nghiên cứu về ung thư tụy gốc. Bắt nguồn từ việc một số gen điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào tụy bị đột biến do tác động của các yếu tố như hút thuốc lá, tiền sử gia đình, chế độ ăn, bệnh tiểu đường và môi trường sống đã dẫn tới sự sinh trưởng mất kiểm soát của các tế bào ác tính và hình thành nên khối u tụy. Trong quá trình phát triển, các tế bào ung thư tụy đã xâm lấn và di căn nhanh chóng đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi, dạ dày, ruột … khiến các liệu pháp như Giải phẫu, Hóa trị, Xạ trị không phát huy hết hiệu quả trong quá trình điều trị. Do vậy, những nghiên cứu để tìm ra các chất ức chế điểm đích mới và phác đồ điều trị đặc biệt chống lại sự phát triển của tế bào ung thư tụy gốc đang được chú trọng nghiên cứu trên thế giới. 
 
TS. Quân chia sẻ: “Tìm ra nguyên lý của bệnh, quy luật phát triển và chất ức chế điểm đích mới để kìm hãm hoặc triệt tiêu các tế bào ung thư chính là các bước đi cần thiết để chống lại bệnh ung thư tụy đang phát triển mạnh tại Việt Nam và trên thế giới. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang tập trung tìm hiểu về gen ALDH1A1 đồng thời tiến hành nghiên cứu thử nghiệm phác đồ điều trị kết hợp giữa ức chế chức năng của gen ALDH1A1 bằng ALDH1A1-siRNA và gemcitabine trên các dòng chuột mang khối u tụy. Hiệu quả từ các nghiên cứu này sẽ góp phần giải quyết sự kháng thuốc điều trị ung thư tụy gemcitabine đối với bệnh nhân để từ đó nâng cao hiệu quả điều trị trong tương lai”.
 
 
Hội thảo thu hút đông đảo Giảng viên, Sinh viên ngành Y-Dược tham dự
 
Trước đó, trong hội nghị Thường niên lần thứ 24 do Hiệp hội Sinh học phân tử và Tế bào Hàn Quốc tổ chức từ ngày 10 - 12/10/2012 tại Hàn Quốc, TS. Quân đã báo cáo 3 đề tài nghiên cứu về tế bào ung thư gồm: “ALDH1A1 tạo đối kháng gemcitabine nội tại và cộng hưởng đối với tế bào ung thư tuyến tụy", “Việc ức chế CHK2 làm tăng đáng kể sự nhạy cảm của tế bào ung thư tuyến tụy với gemcitabine” và “Hiệu quả điều trị khối u bằng BML-275, chất gây ức chế AMPK trong tế bào ung thư tuyến tụy”. Các đề tài này được các nhà khoa học trong hội nghị thực sự quan tâm bởi đã có những đóng góp nhất định để tìm ra các hoạt chất và các hình thức xử lý hoạt chất để chống lại tế bào ung thư tụy. 
 
Được xác định là một trong 4 loại ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới, những nghiên cứu về ung thư tụy gốc của TS. Quân đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư tụy, đem lại cuộc sống tốt hơn đối với bệnh nhân. Thời gian tới, TS. Quân sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế phân tử và các phác đồ điều trị ung thư tụy gốc đồng thời hỗ trợ giảng viên và sinh viên Y - Dược Duy Tân trong việc triển khai các nghiên cứu về bệnh ung thư và các vấn đề bệnh học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Y - Dược tại Duy Tân.

(Truyền thông)