English

Giấc mơ Duy Tân

“Khát vọng Việt Nam” và Tấm lòng của Người sáng lập Đại học Duy Tân

Tình yêu quê hương đất nước là một nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong dòng chảy văn học Việt Nam. Mỗi nhà thơ đều có cách thể hiện tình cảm riêng với mảnh đất quê hương mình. Và, trong muôn ngàn tiếng thơ ngợi ca đất nước ấy, có tiếng thơ của AHLĐ. NGƯT. Lê Công Cơ - người sáng lập ra Đại học Duy Tân.
 
“Khát vọng Việt Nam” và Tấm lòng của Người sáng lập
AHLĐ.NGƯT. Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Duy Tân
 
Dưới góc nhìn của một hồn thơ nhiều suy tư, trăn trở, hình ảnh đất nước Việt Nam vốn đã mang nhiều mất mát, hy sinh trong chiến tranh nay lại đang phải trải qua những vất vả, đau thương vì dịch bệnh vẫn luôn ngời lên một ý chí kiên cường cùng khát khao bình yên, hạnh phúc. Bài thơ “Khát vọng Việt Nam” được sáng tác vào những ngày đầu tháng 9/2021 là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét nhất hồn thơ của ông!
 
Trong bài thơ “Khát vọng Việt Nam”, chất chứa trong từng ý thơ là hình ảnh của một người con tự hào về những chiến công anh dũng của cha anh; tự hào về một đất nước mà người dân dù đói nghèo vẫn quyết tâm đánh đuổi “Giặc phương Bắc”, “Giặc trời Tây” để giữ vững sự bình yên của Tổ quốc. Để rồi sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, sau những đau thương “máu chảy thành sông”, “cửa nát nhà tan”,... ta vẫn giữ một tấm lòng rộng mở để cùng năm châu dựng xây hòa bình, mang nhân ái để “nối vòng tay lớn”. 
 
"Việt Nam ơi mấy ngàn năm lịch sử,
Dòng máu Lạc Hồng thắm đỏ từng trang
Bao thế hệ xây nên hình chữ S
Bằng máu xương, trí tuệ và nhân văn.
 ...
Giặc phương Bắc một ngàn năm đô hộ,
Giặc trời Tây xâm chiếm suốt trăm năm
Rũ đói nghèo ta vùng lên đánh đổ
Bầy quỷ gian tham cùng lũ hung tàn
 
Còn mãi đó bao chiến công lừng lẫy
Một Việt Nam trỗi dậy sáng ngời
Đất nước nhỏ nhưng tấm lòng rộng mở
Đuổi quân thù, nhân ái mở đường lui.
 
“Khát vọng Việt Nam” qua phần ngâm thơ của Nghệ sĩ Ngọc Sang
 
Bài thơ “Khát vọng Việt Nam” không chỉ dừng lại ở những gợi nhắc cho mỗi chúng ta niềm tự hào về những chiến công anh dũng của cha ông xưa mà trong đó còn ẩn chứa những trăn trở, băn khoăn khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển. Đó không chỉ là sự trăn trở của một cá nhân có trách nhiệm, mà nó còn đại diện cho sự trăn trở của cả một thế hệ đã từng hy sinh cả thanh xuân của mình cho đất nước. Quan trọng hơn,  đó còn là một thông điệp: thông điệp nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay:  
 
Mọi suy nghĩ của dân: cần trân trọng 
Biết gạn lọc từng cái đúng cái hay 
Tiêu cực lớn: chỉ hắt hiu một ý
Lời Bác Hồ ghi khắc giữa con tim.
 
Những trăn trở của quốc gia dân tộc còn được tác giả nhìn rộng ra trong bối cảnh của những biến cố toàn cầu. Trong đó, đại dịch Covid là một ví dụ. Sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19 đã thực sự làm cho cuộc sống bị đảo lộn. Covid đã đặt ra cho nhân loại vô vàn những câu hỏi mang tính thời đại mà không thể trả lời được trong ngày một ngày hai. Thế nhưng, nghịch cảnh này cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh. Hồi chuông đó khiến con người phải nhận ra rằng, chỉ có một tấm lòng sống vì cộng đồng, một ý thức được nâng cao mới có thể xóa đi những tai ương luôn sinh ra từ Lòng tham - Kiêu ngạo, mới mang đến sự bình yên, hạnh phúc cho cả thế giới này.
 
Dịch Cô-vi, hỏi vì đâu nên nỗi?
Virut sinh từ Kiêu ngạo - Lòng tham
Mẹ Vũ trụ mắt khô dòng lệ đỏ
Đến bao giờ thôi phá núi, ngăn sông?
 
Sau cuối, vượt lên trên hết là một niềm tin sắt đá ở tương lai, như tác giả luôn tin vào những giá trị nhân văn bất biến của dân tộc. Đó là ý chí bất khuất, kiên cường, là lòng bao dung vô hạn. Đó là những giá trị đã được đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Và, đó cũng là nền tảng, là sức mạnh để vượt qua những biến cố ở hiện tại, hướng tới tương lai.  
 
Dựng nước ngàn năm, giữ nước muôn đời
Đánh giặc hung tàn, giặc nghèo giặc đói
Hạnh phúc toàn dân: mục tiêu không đổi
Lòng bao dung, trí mở đón muôn người.
...
Trên đường lớn, hôm nay cùng đất nước,
Chân vẫn bền, dù mất mát gian truân.
Với Khát vọng-Niềm tin, ta vững bước
Vì Việt Nam: Hạnh phúc giữa muôn người."
 
Phải là một người có lòng yêu nước nồng nàn, từng “kinh” qua khói lửa của đạn bom, dấn thân vào công cuộc xây dựng đất nước đầy vất vả và vinh quang thì tác giả mới có thể sáng tác nên bài thơ nhiều tầng ý nghĩa đến vậy.  Bài thơ được AHLĐ. NGƯT. Lê Công Cơ dành tặng cho ngôi trường mà ông dành cả đời dựng xây, vun đắp. Bài thơ cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự đồng lòng, đoàn kết, chung tay góp sức để vượt qua đại dịch khủng khiếp này.
 
(AHLĐ.NGƯT. Lê Công Cơ mừng Đại học Duy Tân 27 năm thành lập
và vào top 401-500 các đại học tốt nhất thế giới trên Times Higher Education).