English

Nghiên cứu

Chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành về Polyme Phân hủy Sinh học Thông minh tại Đại học Duy Tân

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - đang làm việc tại Khoa Kỹ thuật Y Sinh và Cơ khí, Viện Vật liệu, Đại học Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích đến đông đảo giảng viên và sinh viên của Trường Y Dược thuộc Đại học Duy Tân trong Talkshow “Polyme phân hủy sinh học thông minh ở quy mô nhỏ cho các ứng dụng y sinh” diễn ra vào chiều ngày 6/1/2023. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành hiện là thành viên Hội đồng Trường Đại học Duy Tân với nhiều hoạt động kết nối các nhà khoa học để cùng hỗ trợ giảng viên và sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe của nhà trường tiếp cận và nâng cao hơn nữa các kiến thức chuyên ngành.
 
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành tốt nghiệp hệ Kỹ sư Tài năng ngành Vật lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, anh nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam - Mỹ (VEF) để làm nghiên cứu sinh tại Đại học Princeton (Mỹ) và làm sau Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Hiện tại, anh đang làm việc tại Khoa Kỹ thuật Y Sinh và Cơ khí, Viện Vật liệu, Đại học Connecticut (Mỹ) và đứng đầu một nhóm nghiên cứu ở nơi mình công tác. Các nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành có tính liên ngành cao, liên quan đến y sinh học, vật liệu và công nghệ nano/vi mô. 
 
Chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành về Polyme Phân hủy Sinh học Thông minh tại Đại học Duy Tân
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ tới giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân
nhiều thông tin hữu ích về các lĩnh vực mà anh và các cộng sự đang nghiên cứu
 
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành là người phát minh ra công nghệ sản xuất nền tảng 3D, có tên gọi là SEAL (các lớp polyme được tập hợp đánh dấu), tạo ra các loại vacxin tự tăng cường chỉ tiêm một lần, mô phỏng tác dụng của việc tiêm nhiều lần vắc xin. 
 
Gần đây, nhóm nghiên cứu của anh đã đưa phương pháp SEAL phát triển xa hơn với việc tạo ra miếng dán vi kim (tương tự miếng dán Nicotine) có thể dán trên da tại một thời điểm để cung cấp loại vacxin ổn định có thể bộc phát đối kháng nhiều lần với các loại mầm bệnh khác như phế cầu khuẩn hoặc vi rút COVID-19. Nhóm nghiên cứu của anh cũng đã nghiên cứu loại polyme áp điện có thể phân hủy sinh học mới được sử dụng để quan sát các lực sinh lý quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của mô và đưa thuốc qua các rào cản sinh lý của cơ thể. 
 
Các nghiên cứu này đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới như: Science, Nature Nanotech, Science Translational Medicine, Nature Biomedical Engineering, PNAS, Advanced Materials,… và được The New York Times, The Guardian, BBC,... dẫn lại. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng "Người mở đường" cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, giải thưởng dành cho 1 trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc nhất trên thế giới của Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (SME); được MIT chọn là 1 trong 10 nhà đổi mới hàng đầu dưới 35 tuổi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương,...
 
Chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành về Polyme Phân hủy Sinh học Thông minh tại Đại học Duy Tân
Cán bộ và giảng viên của Đại học Duy Tân chụp hình lưu niệm
cùng PGS.TS. Nguyễn Đức Thành (thứ 5 từ trái sang)
 
Tại talkshow “Polyme phân hủy sinh học thông minh ở quy mô nhỏ cho các ứng dụng y sinh”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã chia sẻ tới giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân nhiều thông tin hữu ích về các lĩnh vực mà anh đang nghiên cứu như: y học tái tạo, vật liệu tự tiêu, công nghệ y sinh, ứng dụng y sinh,... Trong đó, anh tập trung chia sẻ về công nghệ chuyển đổi vật liệu y khoa thành vật liệu thông minh và mang cấu trúc đặc biệt ở kích thước vi mô (nano và micro) cho những ứng dụng khác nhau trong y học và sinh học.
 
Có thể thấy rằng, những nỗ lực nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành và các cộng sự đã đạt được những thành công nhất định bởi nhiều sáng chế và đề tài nghiên cứu gây tiếng vang trên đất Mỹ như: khẩu trang sinh học có thể tự phân hủy và tái sử dụng, miếng dán (tương tự như urgo) để đưa vacxin vào cơ thể người một cách dễ dàng mà không cần đến những mũi tiêm, vật liệu cảm biến điện tử có khả năng tự tiêu,...
 
Không chỉ tập trung chia sẻ nhiều thông tin về lĩnh vực mình đang nghiên cứu và những sáng chế được cộng đồng khoa học công nhận, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành còn tận tình giải đáp những thắc mắc của giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân về: thời gian thử nghiệm, thời gian thẩm thấu hiệu quả của vacxin, mức độ an toàn, hiệu quả đo được trên người,... của những tấm màng polymer áp điện tự tiêu, miếng dán vacxin thay mũi tiêm, khẩu trang tự hủy sinh học,...
 
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho biết: “COVID-19 và sự tác động khủng khiếp của nó lên hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống cho chúng ta thấy rằng lĩnh vực y sinh có thể giúp được hàng triệu người trên thế giới. Thực tế cho thấy rằng, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới đã mua và tích trữ khẩu trang dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang cho nhân viên y tế cũng như tạo ra hàng tỷ tấn chất thải khổng lồ không phân hủy và gây hiểm họa lớn cho môi trường. Đồng thời, người dân ở những quốc gia nghèo với điều kiện y tế chưa đảm bảo không thể tiếp cận với vacxin phòng bệnh sớm. Do vậy, tôi và nhóm nghiên cứu của mình hi vọng rằng những dự án nghiên cứu về khẩu trang tự hủy, hạt vacxin hay miếng dán vacxin,... sẽ góp phần đưa vacxin đến những nơi hẻo lánh với điều kiện lưu trữ và bảo quản kém cùng như giảm thiểu tối đa việc tác động xấu đến môi trường bởi rác thải y tế.”
 
Talkshow “Polyme phân hủy sinh học thông minh ở quy mô nhỏ cho các ứng dụng y sinh” với những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành không chỉ góp phần kết nối giảng viên và sinh viên của Đại học Duy Tân với chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu, đặc biệt là vật liệu ứng dụng trong nghiên cứu Y sinh mà còn là cơ hội để giảng viên và sinh viên Trường Y Dược có dịp lắng nghe và tiếp cận với nhiều kiến thức, thành tựu y học mới.
 
(Truyền Thông)