Tin tức Tuyển sinh


Thí sinh vẫn “né” khối C

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT


Tuyển sinh 2012, thí sinh vẫn "chuộng" khối ngành Kinh tế.
500 học sinh chỉ có 5-6 em đăng ký khối C

Dù số lượng thí sinh nộp hồ sơ chưa nhiều, mới chỉ khoảng 1/3 nhưng xu hướng của học sinh (HS) lớp 12 trên địa bàn Hà Nội vẫn “chuộng” ngành Kinh tế, “né” khối C.

Cô Thu Anh, hiệu phó Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:“Tình hình chọn trường dự thi sẽ không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Số HS lựa chọn thi vào các ngành tuyển sinh khối C năm 2012 chỉ khoảng 5-6 em/500 HS lớp 12”. Còn cô Hà Thị Phương Lan, hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội, dự đoán: “Toàn khối 12 với trên dưới 700 em chắc chỉ 6-7 trường hợp đăng ký thi các ngành học khối C”.

Không chỉ “né” khối C mà HS Hà Nội còn “né” luôn cả ngành Sư phạm. Theo cô Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, HS của trường chủ yếu quan tâm tới các trường là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH RMIT, Học viện Ngoại giao, FPT... Còn các trường khối xã hội các em ít quan tâm, đặc biệt là khối Sư phạm thì càng hiếm. Cả trường chỉ có 1, 2 HS dự định đăng ký vào ngành Sư phạm.

Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Hải, hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy cho biết. “Xu hướng lựa chọn năm nay của hơn 400 HS lớp 12 của trường vẫn chủ yếu là khối ngành Kinh tế và một số trường đặc thù như công an, quân đội còn Sư phạm thì không có HS nào đăng ký mặc dù thầy cô rất nhiệt tình khuyến khích các em theo học ngành này”.

Không chỉ học sinh lớp học bình thường mà ngay ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tình hình cũng không có gì khác. Trong số 27 em của lớp chỉ duy nhất một thí sinh chọn thi vào ngành học khối C. 26 HS còn lại, ngoài những em du học thì đều chọn thi vào các ngành học khối D như Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế...
Em Phạm Nhật Minh, HS lớp 12 chuyên Địa lý của Trường THPT Chuyên Chu Văn An, cho biết lớp em có 35 bạn nhưng chỉ 2 trong số này chọn thi các trường khối C. Các bạn còn lại đều chọn thi khối A và D.
Nhiều ngành xã hội, cơ hội việc làm cao

Sở dĩ thí sinh “né” khối C là do cơ hội việc làm sau khi ra trường ít, tỷ lệ thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều ngành xã hội cho biết, nhiều ngành xã hội đang khan hiếm nguồn nhân lực.

Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH QGHN cho biết: “Theo khảo sát mới nhất của nhà trường gần đây với các cựu SV thì khoa Quốc tế học và Đông phương học của trường ĐH KHXHNV nằm ở trong nhóm dẫn đầu về thu nhập của SV sau khi ra trường. Trong các chuyên ngành của khoa, Quan hệ quốc tế là chuyên ngành có số lượng SV đăng kí học đông nhất, thường chiếm trên 50% SV trong khoa”.
Còn theo thầy Nguyễn Phúc Anh, bộ môn Hán Nôm, cho biết mặc dù thuộc khoa Văn học và là ngành kén người học, song ngành Hán Nôm là nền tảng rất tốt để SV học thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn. Sau khi ra trường hầu hết SV của ngành Hán Nôm đều có khả năng sử dụng được tốt ngoại ngữ là tiếng Trung và chữ Hán Nôm. Người tốt nghiệp ngành Hán Nôm có thể làm trong các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu như Viện Hán Nôm, Viện Văn học, Viện triết học, Viện Tôn giáo, Viện Nghiên cứu lịch sử, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á... Họ cũng có thể làm việc ở các bảo tàng, trung tâm lưu trữ quốc gia, các sở văn hoá trực thuộc các tỉnh và các cơ quan tư vấn quản lí văn hóa, du lịch khác, tham gia hoạt động giảng dạy văn học, lịch sử tại các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học. Ngoài ra, có một số SV Hán Nôm nhờ có khả năng nên đã chuyển sang những hoạt động nghệ thuật như thư pháp, hội họa truyền thống, lĩnh vực đông y và khoa học tâm linh.

Hay như ngành Việt Nam học, sau khi tốt nghiệp, SV có kĩ năng để tác nghiệp theo hướng đa ngành nghề như nghiên cứu, giảng dạy về đất nước - con người Việt Nam, hoặc hoạt động trong các lĩnh vực Du lịch, Văn hóa, hoạch định chính sách, ngoại giao, báo chí, xuất bản… Lãnh đạo khoa Việt Nam học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Theo thống kê từ phía các bạn “cựu cán bộ lớp”, 90% các bạn SV ra trường có việc làm thu nhập tốt đúng chuyên ngành đào tạo, trong đó nhiều nhất là làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, du lịch, báo chí, truyền thông”.

(Hồng Hạnh)

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.