Tin tức Tuyển sinh


190 trường ĐH, CĐ giảm chỉ tiêu

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Hơn 50% trong tổng số 379 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phải giảm chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ chính quy năm 2010, trong đó có trường phải cắt giảm quá nửa so với mức nhà trường dự kiến và đề xuất với Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).
Nguyên nhân việc cắt giảm chủ yếu do nhiều trường không đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giảng viên. Đó là thông tin chính thức vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
 

 
 

Giảm kỷ lục

Kỷ lục về việc tự đề xuất chỉ tiêu tuyển mới quá cao và bị bộ xác định lại ở mức cực thấp là Trường ĐH dân lập Hùng Vương TP.HCM. Trường đề nghị tuyển 2.500 chỉ tiêu ĐH và 1.500 chỉ tiêu CĐ, bộ “quyết” còn 1.500 đối với ĐH và chỉ có... 160 chỉ tiêu đối với bậc CĐ. Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM không chỉ bị giảm gần 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH, số chỉ tiêu hệ CĐ của trường rơi từ con số tự đề nghị 1.500 còn... 200.

Không “ba công khai” vẫn được tuyển
 

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 là 512.866 chỉ tiêu. Con số này tương đương số chỉ tiêu trong kế hoạch năm 2009, chỉ có sự điều chỉnh giữa số chỉ tiêu của ĐH và CĐ. Trong đó có 272.266 chỉ tiêu ĐH, tăng gần 10.000 chỉ tiêu so với năm 2009 và 240.600 chỉ tiêu CĐ - bao gồm cả chỉ tiêu của các trường CĐ và bậc CĐ trong các trường ĐH - giảm khoảng 11.000 chỉ tiêu so với năm 2009.

Số chỉ tiêu tuyển mới năm 2010 được điều chỉnh giảm mạnh ở khối các trường ngoài công lập. Trong tổng chỉ tiêu tuyển mới, 76 trường ngoài công lập sẽ tuyển sinh 55.000 chỉ tiêu ĐH và 49.720 chỉ tiêu đào tạo CĐ. So với tổng chỉ tiêu tuyển mới mà 46 trường ĐH và 30 trường CĐ ngoài công lập tự đề xuất, những con số này đã “khiêm tốn” khá nhiều do Bộ GD-ĐT xác định tổng chỉ tiêu chính thức của các trường ngoài công lập giảm khoảng 10.000 chỉ tiêu đào tạo ĐH và 20.000 chỉ tiêu hệ CĐ.

Trong tổng số 379 trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh năm 2010, có 190 trường chính thức tuyển sinh với số lượng chỉ tiêu thấp hơn số lượng do các trường dự kiến và đề nghị với bộ. Chỉ có năm trường ĐH được tăng chỉ tiêu nhưng mức tăng của từng trường không lớn. Đó là các trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Thủy lợi và ĐH Tôn Đức Thắng. Những trường còn lại được giữ nguyên chỉ tiêu so với mức nhà trường tự đề xuất hoặc chỉ có chỉ tiêu do bộ xác định vì trước đó các cơ sở đào tạo (chủ yếu là các trường CĐ sư phạm, CĐ địa phương) không tự đề xuất.
 
Tuy Bộ GD-ĐT đã nhiều lần tuyên bố một cách cứng rắn về việc sẽ không giao chỉ tiêu tuyển mới năm 2010 cho những cơ sở đào tạo không có báo cáo về “ba công khai”, nhưng một số trường không có báo cáo vẫn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010.
 
Tương xứng với điều kiện
 

Bộ GD-ĐT cho biết chỉ tiêu tuyển mới chính thức năm 2010 của các trường được bộ xác định trên cơ sở các tiêu chí liên quan đến diện tích đất đai và xây dựng, tỉ lệ sinh viên/giảng viên. Căn cứ theo những con số này, Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh giảm chỉ tiêu của những trường có tỉ lệ bình quân diện tích/sinh viên thấp và tỉ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi quá cao.

Đó là lý do để không chỉ các trường ngoài công lập mà hàng loạt trường công lập phải giảm chỉ tiêu tuyển mới so với mức tự đề xuất. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, diện tích bình quân trên mỗi sinh viên của các trường ĐH không chỉ rất chênh lệch mà có những trường ở mức thấp khó tin như Trường ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, CĐ Kinh tế TP.HCM có diện tích xây dựng bình quân 0,7m2/sinh viên. Con số này của Viện ĐH Mở Hà Nội hay Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... là 1,1. Hàng loạt trường ĐH, CĐ, trong đó có không ít trường công lập, đang có diện tích bình quân tính trên mỗi sinh viên ở mức trên dưới 1m2.
 
Ông Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), đánh giá nhìn chung các trường ĐH công lập đã tính toán xác định chỉ tiêu tuyển mới bậc ĐH theo các tiêu chí bộ quy định khá sát. Các trường này chủ yếu bị điều chỉnh giảm nhiều ở chỉ tiêu tuyển mới đào tạo bậc CĐ. Điển hình như ĐH Thái Nguyên tự đề nghị đến 3.200 chỉ tiêu nhưng bộ chỉ quyết có 1.000, Trường ĐH Mở TP.HCM phải giảm từ 800 còn 250 chỉ tiêu...
 

 
 
Tương tự, các trường CĐ công lập cũng đồng loạt phải giảm tới hàng ngàn chỉ tiêu cho tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên: Trường CĐ Giao thông vận tải đề xuất 2.750 chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT chỉ xác định 1.700. Trường CĐ Công thương TP.HCM tự đề nghị 3.000 thì chỉ còn 2.150 chỉ tiêu. Tương tự, Trường CĐ Công nghiệp Nam Định từ 3.000 còn 2.000 chỉ tiêu, CĐ Công nghiệp Huế từ 1.500 giảm còn 850 chỉ tiêu... Trường CĐ Kinh tế - công nghiệp Hà Nội còn “kỷ lục” hơn: từ 3.000 tự đề xuất xuống còn 1.400 chỉ tiêu.
 
Hàng loạt trường từng là các “điểm nóng” về chất lượng đào tạo, về sự yếu kém, thiếu thốn trong các điều kiện đảm bảo chất lượng như Trường ĐH Hồng Bàng, CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn... cũng được bộ xác định lại, giảm hàng ngàn chỉ tiêu so với số lượng nhà trường tự đề xuất.
 

Giảm nhiều ở trường ngoài công lập

Đối với các trường ngoài công lập, nhiều trường phải điều chỉnh cả chỉ tiêu ĐH lẫn CĐ. Điển hình như Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tự đề xuất 4.500 chỉ tiêu bậc ĐH và 1.500 chỉ tiêu bậc CĐ nhưng bộ xác định trường chỉ có năng lực đào tạo cho 3.000 chỉ tiêu ĐH và 1/3 chỉ tiêu bậc CĐ, tức 500 chỉ tiêu. Nằm trong tốp các trường bị cắt giảm nhiều chỉ tiêu so với tự đề xuất còn có Trường ĐH Lạc Hồng với 2.400 chỉ tiêu so với con số 3.500 chỉ tiêu do trường đề nghị, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Long An còn 1.250 chỉ tiêu cả ĐH và CĐ so với đề nghị ban đầu là 2.300, Trường ĐH Tây Đô giảm còn 1.350 chỉ tiêu bậc ĐH và 800 chỉ tiêu bậc CĐ so với hai con số tự đề xuất là 2.200 và 1.300.

 
Theo tuoitre.com.vn

 

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.