QUY ĐỊNH
Về thể lệ viết bài, gửi bài và kiểm soát đạo văn đối với bài báo
trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng
Văn bản này quy định về cách trình bày bản thảo và kiểm soát đạo văn dành cho các tác giả và người phản biện đang cộng tác với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân. Link tải về file hướng dẫn trình bày bản thảo:
https://bom.so/1-DTU-JST-HUONG-DAN-MAU-BAI-BAO
2. Giải thích từ ngữ
Bản thảo là bản viết tay, đánh máy hoặc bản được tạo ra bằng phương tiện điện tử của một tác phẩm, tài liệu để xuất bản.
Bài báo khoa học là một báo cáo được viết và xuất bản trong một tạp chí có bình duyệt mô tả những kết quả nghiên cứu gốc. Bài báo khoa học không chỉ là sản phẩm tri thức, qua các bài báo khoa học có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của người nghiên cứu.
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm (văn học, nghệ thuật, khoa học). Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
Người phản biện là những chuyên gia dành thời gian của họ để giúp cải thiện chất lượng của các bản thảo bài báo mà họ phản biện bằng cách đưa ra các nhận xét và lời khuyên cho Tác giả.
Đạo văn là việc sử dụng tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình mà không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các khoản cấm thuộc chương III.
CHƯƠNG II
THỂ LỆ VIẾT BÀI, GỬI BÀI
3. Định dạng bản thảo chung
Bài nhận đăng là các công trình mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, chưa công bố ở bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Nghiêm cấm mọi hình thức đạo văn (xem CHƯƠNG III).
Khi nộp bài cộng tác, Tác giả vui lòng kèm theo file thông tin tác giả cùng bản thảo gốc. Link tải về file thông tin tác giả:
https://bom.so/2-DTU-JST-Thong-tin-tac-gia
Hình 1. Hướng dẫn tải về file thông tin tác giả
Bản thảo bài báo được soạn thảo bằng phần mềm Microsoft Word, trình bày một cột, toàn bộ bài báo không được dài quá 10 trang khổ A4 (21 x 29,7cm).
Font chữ: soạn bằng mã Unicode, font chữ Times New Roman cho toàn bài (cả trong các hình vẽ, bảng biểu, sơ đồ, công thức).
Cỡ chữ: 12, canh đều, First line: 0.3, Before: 0pt, After: 0pt, cách dòng (Line Spacing): Single.
Cỡ chữ khác: quy định cho các mục Tóm tắt và Tài liệu tham khảo.
4. Phần tiêu đề bài báo
Tên bài báo khoa học tiếng Việt và tiếng Anh bằng chữ thường, canh giữa, không đậm, không có dấu chấm cuối câu. Ví dụ:
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân (chữ thường, canh giữa)
DTU Journal of Science and Technology (chữ thường, canh giữa)
Lưu ý:
Nếu bài báo bằng tiếng Việt, tiêu đề tiếng Việt ở trên, tiêu đề tiếng Anh ở dưới. Ngược lại, nếu bài báo bằng tiếng Anh, tiêu đề tiếng Anh ở trên, tiêu đề tiếng Việt ở dưới.
5. Phần nội dung
5.1. Tóm tắt
Nếu bài báo bằng tiếng Việt, phần “Tóm tắt” và “Từ khóa” tiếng Việt ở trên, phần “Abstract” và “Keywords” bằng tiếng Anh ở dưới. Ngược lại, nếu bài báo bằng tiếng Anh, phần “Abstract” và “Keywords” bằng tiếng Anh ở trên, phần “Tóm tắt” và “Từ khóa” tiếng Việt ở dưới.
Dòng tiêu đề “Tóm tắt” và “Abstract” dùng cỡ chữ 12, chữ thường, in đậm, canh sát lề trái.
Phần này giới thiệu một cách ngắn gọn về mục đích nghiên cứu và kết quả đạt được của bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Không trích dẫn tài liệu tham khảo trong phần tóm tắt. (Phần nội dung Tóm tắt dùng cỡ chữ 10, chữ thường, canh sát lề trái).
Từ khóa: Ngay dưới từng phần “Tóm tắt” và “Abstract” bằng tiếng Việt và tiếng Anh cỡ chữ 10, chữ thường (riêng “Từ khóa:” và “Keywords:” viết in nghiêng), các từ khóa cách nhau bằng dấu chấm phẩy (;).
5.2. Nội dung chính
Bài báo thường có khoảng 4 đến 5 mục lớn, số thứ tự đề mục viết bằng chữ số thường (1., 2., 3., v.v.), các tiểu mục được đánh số thứ tự tiếp nối mục lớn, hoặc số chỉ mục liền trước nó, có dấu chấm sau chữ số và viết theo quy tắc in đậm/đậm nghiêng/nghiêng/viết thường tùy mức độ tiêu đề, chẳng hạn: 1.1., 1.1.1., 2.1., 2.1.1., v.v.
Tên mục lớn và mục nhỏ phải được viết cụ thể, cô đọng, chứa đựng các thông tin sát với nội dung của mục đó.
Không Enter chế độ tự động.
Ví dụ cách trình bày đề mục:
1. Đặt vấn đề/Giới thiệu (cỡ chữ 12, chữ thường, in đậm)
1.1. …. (cỡ chữ 12, chữ thường, đậm nghiêng)
Nội dung chính trình bày cỡ chữ 12, canh đều, First line: 0.3, Before: 0pt, After: 0pt, Line Spacing: Single.
1.1.1. ….. (cỡ chữ 12, chữ thường, in nghiêng)
1.1.1.1. ….. (cỡ chữ 12, chữ thường)
1.2. …. (cỡ chữ 12, chữ thường, đậm nghiêng)
5.3. Tài liệu tham khảo/References
Quy định về cách ghi tài liệu tham khảo, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân áp dụng theo chuẩn APA của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association - APA).
a. Cách trình bày
- Dòng tiêu đề “Tài liệu tham khảo/References” dùng cỡ chữ 12, chữ thường, in đậm, canh đều.
- Số TLTK phải để trong ngoặc vuông, ví dụ [1], [2], v.v. Những con số này phải để ngay chỗ trích dẫn trong bài báo. Sau đó mới đưa những số này vào mục TLTK (nằm ở cuối bài báo). Các TLTK được xếp thứ tự theo chữ cái đầu tiên của tên tác giả (hoặc tác giả đứng đầu trong trường hợp nhiều tác giả). Trường hợp các TLTK có cùng tác giả thì xếp theo thứ tự theo thời gian.
- Cần phân biệt TLTK và chú giải (footnote). Mỗi loại có một chức năng riêng. Cách ghi mỗi loại cũng khác nhau: TLTK ghi trong ngoặc vuông và đặt cùng hàng với dòng chữ (ví dụ: “…Việt Nam” [1]). Chú giải không để trong ngoặc vuông mà đặt trên đầu từ cần chú giải với kích thước nhỏ hơn (ví dụ: Việt Nam1). Số TLTK được ghi rõ ra ở mục TLTK; số chú giải được diễn giải ở ngay chân trang. Nội dung chú giải (footnote) cung cấp thông tin bổ sung cho người đọc, vì vậy nên ngắn gọn, chỉ tập trung vào một chủ đề và cố gắng giới hạn ý kiến của mình trong một đoạn văn ngắn.
- Các tài liệu sắp xếp theo thứ tự AlphaB tên tác giả, được đánh số thứ tự và số thứ tự đặt trong dấu ngoặc vuông - []; cỡ chữ 11, chữ thường.
b. Cách ghi tên tác giả
+ Đối với người nước ngoài: Họ, các chữ cái đầu của phần tên còn lại viết hoa kèm dấu chấm. Ví dụ: Vlardymiar Ilyich Lenin sẽ được ghi là Lenin,V.I.
+ Đối với người Việt: Tên, các chữ cái đầu của họ và tên lót viết hoa kèm dấu chấm. Ví dụ: Ngô Bảo Châu sẽ được ghi là Châu, N.B.
c. Với sách
Tên tác giả/các tác giả. (Năm xuất bản). Tên sách in nghiêng. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản. Author(s) of book. (Year of publication). Title of book. Place of publication: Publisher.
d. Với bài báo trên tạp chí khoa học
Tên tác giả/các tác giả bài báo. (Năm xuất bản). Tên bài báo (ngoặc kép). Tên tạp chí, tập in nghiêng (số), trang số. DOI: xx.xxxxxxxxxx (nếu có)
Author(s) of paper. (Year of publication). Title of paper. Journal name, Volume number - italicized(Issue number), page number(s). DOI: xx.xxxxxxxxxx
e. Với bài trên kỷ yếu hội thảo, hội nghị
Tên tác giả/các tác giả. (Năm xuất bản). Tên bài viết. Tên kỷ yếu hội thảo, nơi tổ chức, năm tổ chức in nghiêng (tr. Trang số). Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.
(Nếu kỷ yếu chỉ phát hành bởi Ban Tổ chức, không qua nhà xuất bản thì không cần thông tin về nơi và nhà xuất bản).
f. Với bài trên báo chí
Tên tác giả/các tác giả. (Ngày, tháng, năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tờ báo in nghiêng, trang số.
g. Với luận văn, luận án
Tên tác giả. (Năm in luận văn/luận án). Tiêu đề luận văn / luận án in nghiêng (Luận án tiến sĩ/ Luận văn thạc sĩ, Cơ sở đào tạo, Địa điểm).
h. Với tài liệu từ internet
Tên tác giả/các tác giả (Năm tài liệu được tạo ra hay được cập nhật). Tên tài liệu in nghiêng. Truy cập ngày/tháng/năm, từ http://www...
6. Cách gửi bản thảo
Các tác giả gửi bản thảo và file thông tin tác giả trực tiếp tới hộp thư điện tử: tapchikhcn@duytan.edu.vn.
7. Một số lưu ý trình bày khác
7.1. Hình ảnh
Hình phải được thể hiện rõ ràng, độc lập với text, hình không bị nhòe, mờ, tên hình được đặt ở dưới hình, canh giữa, có đánh số thứ tự, sử dụng chữ Times New Roman, chữ thường (ví dụ: Hình 2. Hình bìa Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân).
Trường hợp gồm nhóm một số hình riêng thì cần có tên cho từng hình, như được chỉ ra ở Hình 2a và Hình 2b. Hình phải được trích dẫn trong nội dung bài báo (Hình 2).
(a) Bìa 1 (b) Bìa 4
Hình 2. Bìa Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân
7.2. Bảng
Bảng phải được trình bày rõ ràng, thống nhất định dạng, tên bảng đặt ở trên bảng, canh giữa, có đánh số thứ tự, viết bằng chữ thường, không đậm. Lưu ý: tên bảng không được lồng trong thiết kế bảng.
Bảng phải được trích dẫn trong nội dung bài báo (Bảng 1).
Bảng 1. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ chiết
Quy trình |
Nhiệt độ chiết |
Hàm lượng polyphenol tổng số (µg GAE/g dw) |
CT24 |
Nhiệt độ phòng ( 25oC - 30oC) |
5273,28 |
CT25 |
Nhiệt độ nóng (60oC - 80oC) |
7333 |
7.3. Công thức
Công thức được soạn thảo bằng công cụ MathType trong Microsoft Word. Sử dụng hệ thống đơn vị quốc tế (SI), ví dụ: đơn vị lực là kN, N; đơn vị chiều dài là m, cm, mm,...
Ví dụ:
trong đó, tương ứng là các toán tử sinh (hủy) của điện tử c và điện tử f không spin mang xung lượng k. Trong gần đúng liên kết chặt, các năng lượng kích thích điện tử c và f được cho bởi
với là năng lượng trên một nút của điện tử c (f). Sự khác nhau của hai giá trị năng lượng này cho mức độ xen phủ của hai dải năng lượng.
Chú ý, khi giải thích các biến số trong các công thức (2) và (3), cụm từ “trong đó”, “với” không được viết hoa ký tự đầu và không để thụt đầu dòng.
CHƯƠNG III
KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ HÀNH VI ĐẠO VĂN
8. Các hình thức đạo văn
Sử dụng các đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn.
Cung cấp thông tin không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn.
Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ ngữ, câu, đoạn, ý tưởng của tác giả khác; gắn từ ngữ, câu, đoạn của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết; thay đổi từ ngữ, cụm từ, câu nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài viết.
Diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được sử dụng; tóm tắt nội dung các tác phẩm của người khác nhưng không trích dẫn nguồn gốc của tác phẩm được sử dụng.
Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm từ 25% nội dung tác phẩm trở lên, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn. Quy định này không áp dụng đối với việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.
Chiếm đoạt tác phẩm của người khác và trình bày như tác phẩm của mình:
Sao chép toàn bộ tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình, bao gồm cả các trường hợp thuê viết hoặc nhờ người khác viết hộ;
Dịch hoặc diễn đạt toàn bộ hoặc một phần tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để tạo thành ít nhất 25% tác phẩm của mình mà không chỉ rõ các thông tin về tác phẩm gốc.
Sử dụng hơn 30% những tác phẩm của mình đã công bố vào những tác phẩm mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn, tức là hình thức tự đạo văn.
Những hình thức khác theo quy định của pháp luật.
9. Trách nhiệm của các cá nhân phối hợp kiểm soát vấn đề đạo văn
Trách nhiệm của các tác giả và người phản biện:
Các tác giả là đối tượng thuộc Điều 2 của Quy định này có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những điều khoản trong Quy định này, đảm bảo tính trung thực trong khoa học và tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ.
Khuyến khích người phản biện là đối tượng thuộc Điều 2 của Quy định này thông báo và cung cấp bằng chứng những trường hợp nghi ngờ có hành vi đạo văn, hoặc khi phát hiện có xung đột lợi ích tiềm ẩn.
10. Hình thức xử lý hành vi đạo văn
Căn cứ hình thức, mức độ đạo văn, hành vi vi phạm có thể bị xử lý bởi một hoặc kết hợp hai biện pháp sau đây:
Ngừng xử lý bản thảo.
Đình chỉ hợp tác đối với tác giả có hành vi vi phạm.